Xuất siêu chủ yếu ở khối DN FDI
Theo Bộ Công Thương, về cơ cấu xuất nhập khẩu, tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chiếm 67% và DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 33%. Về tổng thể cán cân thương mại, DN FDI xuất siêu 12,7 tỷ USD trong khi đó DN trong nước nhập siêu 10,23 tỷ USD.
Bình luận về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc xuất siêu 2,5 tỷ USD là một kết quả đáng mừng; tuy nhiên, vấn đề cần bàn là, phần xuất siêu lại chủ yếu phụ thuộc vào khối DN FDI; còn DN trong nước vẫn nhập siêu rất lớn.
Ông Sandeep Mahajan, Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, sự tăng trưởng xuất khẩu hiện nay mà Việt Nam có được chủ yếu là do đóng góp của khối DN FDI. “Với việc Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu cho cả năm 2014 là trên 10%, khối FDI sẽ là nhân tố đóng góp chính. Khu vực FDI hiện đóng góp 2/3 tổng lượng xuất khẩu tại Việt Nam”, ông Sandeep Mahajan nói.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Ánh, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế và Thương mại quốc tế, xét ở một khía cạnh nào đó, xuất siêu là tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế Việt Nam. “Nhưng cần phải cân nhắc liệu đó có thực sự xuất phát từ năng lực của sản xuất Việt Nam hay không”, bà Ánh nói.
Ông Trần Đình Thiên từng đưa ra nhận xét: Nếu chỉ nhìn ở con số, xuất siêu là đáng mừng. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam phần lớn là gia công nên nhập khẩu liên tục giảm cũng báo hiệu khả năng sắp vào chu kỳ xuất khẩu giảm.
Trong khi đó, một lãnh đạo Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (Bộ KH-ĐT) cho rằng, việc nhập khẩu mạnh chứng tỏ nền kinh tế đang khó khăn.
“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam đột ngột xuất siêu không phải là tín hiệu đáng mừng. Vì xuất siêu không phải do năng lực cạnh tranh và năng suất của nền kinh tế được cải thiện. Trong khi đó, Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phải nhập gần như 100% nguyên, nhiên vật liệu cho làm hàng xuất khẩu và máy móc phục vụ đổi mới công nghệ”, vị này thẳng thắn.
Doanh nghiệp FDI lấn lướt trong xuất khẩu ảnh: Bá Anh
Bị kìm chân trong chuỗi giá trị toàn cầu
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, cùng với niềm vui xuất siêu, có không ít nỗi lo khi tổng kim ngạch nhập khẩu tăng thấp hơn kế hoạch.
Nguyên nhân, được giải thích là do hàng chục nghìn DN lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí giải thể, dừng hoạt động nên giảm hoặc không còn nhu cầu nhập khẩu (máy móc, thiết bị cũng như nguyên nhiên vật liệu đầu vào...).
Theo ông Doanh, tổng cầu trong nước tăng chậm cũng làm giảm cầu nhập khẩu hàng hóa, cả tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Nếu nhập khẩu giảm do sản xuất trong nước đã “tự lực cánh sinh” được (nhờ phát triển công nghiệp hỗ trợ, nhờ tăng cung cấp nguyên liệu trong nước thay thế nhập khẩu) thì thật đáng mừng; tuy nhiên, hiện chưa đủ bằng chứng để mừng.
Lý giải về việc DN FDI xuất siêu trong khi DN trong nước nhập siêu, đại diện Bộ Công Thương cho biết, nguyên nhân nằm ở sự khác biệt về phân khúc thị trường mà hai nhóm này hướng tới.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), đúng là các DN trong nước có khối lượng nhập khẩu lớn hơn xuất khẩu. “Điều này phản ánh, việc nhập khẩu là để phục vụ cho sản xuất và tiêu dùng trong nước”, ông Hải nói.
Theo ông Hải, nếu tách ra hai nhóm riêng, nhóm DN FDI chủ yếu là để phục vụ xuất khẩu nên có thặng dư về xuất khẩu rất lớn. “Chúng ta chưa thể có thị phần lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu thì ít nhất việc thặng dư xuất khẩu cũng đã có bước đi đầu tiên, đó là điều quan trọng”, ông Hải nói.
Theo Bộ Công Thương, với đà tăng trưởng xuất nhập khẩu như hiện nay, dự kiến, đến hết năm 2014, xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt khoảng 148 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2013 và cao hơn mục tiêu 10% do Quốc hội đề ra. Cùng với đó, nhập khẩu cả năm sẽ đạt khoảng 146,5 tỷ USD. Như vậy, xuất siêu sẽ tiếp tục duy trì trong năm nay với mức 1,5 tỷ USD. |