Dù thị trường được đánh giá là cạnh tranh khốc liệt nhưng cổ phiếu ngành phân bón trong bức tranh chung của ngành thời gian gần đây đang có nhiều biến chuyển khá tích cực...

Yếu tố thuận lợi về thời tiết những tháng đầu năm 2017, cùng những thông tin tích cực từ việc Bộ Công thương đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0%... đang là những yếu tố giúp cổ phiếu ngành phân bón tăng tích cực so với thời điểm cuối năm 2016.

Cổ phiếu ngành phân bón sẽ cất cánh trong năm 2017? (Ảnh: QH)
 

Cổ phiếu phân bón tăng giá mạnh

 

Mặc dù thị giá cổ phiếu nhóm ngành phân bón gần đây có phiên tăng, phiên giảm nhưng nhìn chung so với thời điểm cuối năm 2016 thì đa số đều tăng khá mạnh.

Đáng chú ý nhất lại là cổ phiếu BFC của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền. Nếu thòi điểm cuối năm 2016 thị giá BFC chỉ dao động quanh vùng 29.000 - 30.000 đồng/CP thì thời gian gần đây tăng mạnh lên vùng 39.000 - 40.000 đồng/CP.

Còn các cổ phiếu SFG của Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam, DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí cũng tăng thêm 1.000 đồng/CP so với thời điểm cuối năm 2016, hiện đạt mức 13.000 - 14.000 đồng/CP và 23.000 đồng/CP.

Theo đánh giá của Công ty CP Chứng khoán Vietcombank (VCBS), đà tăng của cổ phiếu nhóm ngành phân bón thời gian gần đây xuất phát từ nhiều yếu tố như thời tiết những tháng đầu năm 2017 thuận lợi khiến nhu cầu sử dụng phân bón của người dân tăng; Bộ Công Thương đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ đưa mặt hàng phân bón vào diện chịu thuế GTGT 0% để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) trong nước phát triển; Khả năng Bộ Công Thương sẽ thông qua việc áp thuế tự vệ với một số mặt hàng phân bón nhập khẩu theo đề nghị của một số DN phân bón lớn trong nước mới đề xuất...

“Tuy chưa có quyết định chính thức từ Chính phủ, từ Bộ Công thương nhưng nhiều nguồn thông tin cho thấy Chính phủ về cơ bản đã đồng ý cho Bộ Công Thương và Hiệp hội Phân bón thay đổi chính sách thuế, chuyển mặt hàng phân bón từ dạng miễn thuế sang chịu thuế 0%. Nếu chính sách này được chính thức áp dụng chính thức, các doanh nghiệp sẽ được giảm bớt gánh nặng về thuế, tạo cơ hội hồi phục mạnh mẽ cho ngành phân bón trong nước”, phía VCBS bình luận.

Hàng loạt DN phân bón sẽ đưa vào dây chuyền sản xuất NPK mới trong năm 2017

Cạnh tranh khốc liệt từ các doanh nghiệp trong nước

Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, ngành phân bón trong thời gian tới được dự báo cũng sẽ gặp khó khăn từ chính sự cạnh tranh trong cùng ngành.

Cụ thể, hàng loạt các DN phân bón đang triển khai các dự án sản xuất phân bón NPK lớn trong năm 2017. Chẳng hạn Công ty CP Phân bón Miền Nam dự kiến chạy dây chuyền tạo hạt NPK hữu cơ kiểu đĩa xoay tại Long Thành (tỉnh Đồng Nai) với công suất khoảng 60.000 tấn. Hay Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí dự kiến chạy nhà máy NPK Phú Mỹ vào quý 2.2017 với công suất 250.000 tấn theo công nghệ hóa học.

Trong khi đó, ở khu vực phía Bắc, Công ty Phân bón Lâm Thao cũng dự kiến chạy nhà máy phân bón NPK vào tháng 9.2017 với công suất 150.000 tấn/năm. Công ty Phân bón Văn Điển và Đức Giang cũng dự kiến đưa vào hoạt động 2 nhà máy NPK công suất khoảng 200.000 tấn/năm... Việc triển khai các dự án này dĩ nhiên sẽ tạo nền tảng tăng trưởng mới cho các DN nhưng đồng thời cũng tăng tính cạnh tranh thêm khốc liệt trong nội bộ ngành.

Không chỉ cạnh tranh mạnh giữa các DN trong nước, phía Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT), cũng cảnh báo tình hình phân bón nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ thị trường Trung Quốc đang tăng mạnh trên thị trường gây nên tình trạng dư thừa nguồn cung, tạo sức ép lên giá thành các loại phân bón nội địa.

“Hiện nay, Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực cung cấp phân bón cho Việt Nam, chiếm tới 46% tổng lượng phân bón nhập khẩu với 1,9 triệu tấn, trị giá 467,7 triệu USD trong năm 2016. Trong năm 2017, tình hình này được dự đoán tiếp tục tiếp diễn khi trong quý 1.2017, các chủng loại phân bón nhập khẩu đều tăng cả lượng và giá trị, đặc biệt là ure và NPK. Vì vậy, DN trong nước muốn cạnh tranh thì đòi hỏi phải nâng cấp công nghệ và chất lượng sản phẩm”, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NNPTNT), cho biết.

DN sản xuất NPK có thể gặp khó với Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Á Âu

Theo Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Á - Âu, trong năm 2017, Việt Nam xóa bỏ ngay thuế nhập khẩu phân DAP, Ure, SA và một số loại khác. Tuy nhiên, đối với phân NPK sẽ theo lộ trình 10 năm. Cụ thể, trong năm 2017 mức thuế này sẽ còn 4,4%, năm 2018 sẽ còn 3,8% và đến 2025 sẽ còn 0%. Hiện tại, Việt Nam nhập khẩu phân bón từ Nga và Belarus (2 thành viên trong liên minh Á - Âu) với tỷ trọng hàng năm khoảng 8-10% về giá trị. Riêng mặt hàng NPK, tỷ trọng nhập khẩu từ khu vực này đạt khoảng 15-20% trong 9 tháng đầu năm 2016.

Như vậy, khi áp dụng Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh Á - Âu thì mức thuế nhập khẩu NPK theo hiệp định sẽ thấp hơn mức thuế nhập khẩu NPK áp dụng trước đây. Với mức thuế này, sản lượng nhập khẩu NPK có thể gia tăng và tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Nguồn: Dân Việt
 
Bài viết khác