Với trên 3.000 DN kinh doanh dịch vụ logistics, để phát triển ngành dịch vụ quan trọng này, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, được đánh giá là đòn bẩy để phát triển toàn diện dịch vụ tiềm năng này. Ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Hải quan xung quanh nội dung này. Thưa ông, Kế hoạch hành động quốc gia về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 có những nội dung gì đáng lưu ý? Đây là lần đầu tiên ngành dịch vụ logistics có kế hoạch hành động quốc gia về dịch vụ logistics một cách toàn diện nhằm đưa ngành dịch vụ logistics – một ngành dịch vụ giá trị gia tăng cao lên một bước mới hiện đại và mở rộng. Theo kế hoạch này, mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt thứ 50 trở lên. Kế hoạch có 6 nhóm nhiệm vụ chủ yếu gồm: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics; Hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ; Phát triển thị trường dịch vụ logistics; Đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực…Trong đó, sẽ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics; đầu tư mở rộng hạ tầng logistics nhằm kết nối các cảng của Việt Nam với các nước láng giềng; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại I tại khu vực Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh; tập trung kêu gọi đầu tư xây dựng các trung tâm logistics loại II… Hiện nay, chi phí cho dịch vụ logistics còn quá cao, chiếm đến 21% GDP. Để giảm chi phí này theo ông các DN cần phải làm gì? Tôi cho rằng chi phí thuộc dịch vụ logistics được tính gồm rất nhiều dịch vụ, như: Dịch vụ thủ tục hải quan, chi phí vận tải trong nước và quốc tế; chi phí thuê kho bãi… và cả những khoản chi chi được cho là không chính thức. Chính vì thế, để giảm được chi phí logistics phải giảm được các chi phí này. Cụ thể, đối với từng DN cung ứng chuỗi dịch vụ phải có dịch vụ tốt, giảm được chi phí. Bên cạnh đó, các chính sách liên quan đến dịch vụ logistics phải ổn định, các thủ tục phải được cải cách, tiết giảm. Chẳng hạn như thủ tục kiểm tra chuyên ngành hiện đang là rào cản lớn đối với các DN, làm phát sinh chi phí về logistics. Có những mặt hàng nhập khẩu DN phải chuyển từ TP.HCM ra Hà Nội mới thực hiện được việc kiểm tra chuyên ngành. Việc này vừa mất nhiều thời gian chờ đợi, vừa tốn rất nhiều chi phí của DN. Thực hiện Quyết định 200/QĐ-TTg, trước mắt các DN cần tập trung vào những nội dung nào, thưa ông? Logistics là ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, đóng vai trò hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần gia tăng giá trị hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của thương mại và nền kinh tế. Phát triển dịch vụ logistics thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn dịch vụ logistics với phát triển sản xuất hàng hóa , XNK và thương mại trong nước. Kế hoạch hành động phát triển dịch vụ logistics gồm nhiều nội dung được quy định chi tiết rất cụ thể. Trong đó, các nhóm nhiệm vụ chủ yếu được chi tiết bằng 60 nhiệm vụ cụ thể cho tất cả 4 yếu tố cấu thành hệ thống logistics Việt Nam, như: Đường lối, chính sách phát triển dịch vụ logistics và pháp luật điều chỉnh hoạt động này; kết cấu hạ tầng logistics; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sử dụng dịch vụ logistics. Chính vì thế, qua hội nghị phát động triển khai Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các DN tham dự và các chuyên gia về logistics đã tập trung vào các giải pháp nhằm nhanh chóng khắc phục những điểm yếu hiện nay của ngành dịch vụ logistics. Đó là sự kết hợp trong nội bộ các DN cung cấp dịch vụ logistics, sự liên kết giữa các nhà cung cấp dịch vụ và các nhà sử dụng dịch vụ logistics là các nhà XNK và các nhà sản xuất, vì hiện nay, mối liên kết này chưa thể hiện vai trò động lực của logistics trong dây chuyền quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa. Theo tôi, để khắc phục điểm yếu này chúng ta phải gia tăng hợp tác và tăng tỷ lệ thuê ngoài, cũng như đẩy mạnh hình thức cung cấp dịch vụ 3PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ ba hay logistics theo hợp đồng), với nền tảng là vận chuyển đa phương phức và phối hợp tốt với dịch vụ 2PL (Cung cấp dịch vụ logistics bên thứ hai), nền tảng là các hãng vận tải thực tế. Xin cảm ơn ông! Theo Báo Hải quan |