Tại buổi làm việc với các đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn ngày 13/4, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu chậm nhất đầu tháng 5 phải xong dự thảo sửa đổi hoặc thay thế Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón để xin ý kiến các Bộ, ngành cũng như trình Chính phủ ban hành kịp thời trong tháng 6.

 
Không cần thông tư hướng dẫn

Trình bày dự thảo Nghị định sửa đổi thay thế Nghị định 202 về quản lí phân bón, Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung cho biết, về cơ bản Cục Trồng trọt đã bàn giao toàn bộ hồ sơ, giấy tờ quản lý phân bón sang Cục BVTV. Sau khi lấy ý kiến sơ bộ của các đơn vị chuyên môn, hiện Cục BVTV đã công khai dự thảo trên cổng thông tin điện tử Chính phủ và website của Bộ NN-PTNT xin ý kiến rộng rãi.

Theo ông Hoàng Trung, trên cơ sở những tồn tại, hạn chế cũng như lợi thế đã được phát huy ở Nghị định 202, Nghị định quản lí phân bón mới sẽ được xây dựng trên tinh thần kế thừa có chọn lọc, cái nào đã tốt và phù hợp sẽ được giữ lại nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

Tuy nhiên, có những quy định sẽ được xiết chặt thêm nhằm hạn chế tối đa các doanh nghiệp làm ăn không chân chính cũng như sản phẩm kém chất lượng lưu hành ra thị trường. Cụ thể, Nghị định mới sẽ quản lí rất chặt việc đặt tên, nhãn mác, quảng cáo các sản phẩm phân bón trung, vi lượng, phân NPK.

Đặc biệt, để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Nghị định thay thế Nghị định 202 sau khi ban hành sẽ được áp dụng luôn, không cần thêm thông tư hướng dẫn.  
Phân cấp, gắn trách nhiệm địa phương

Theo Cục trưởng Cục BVTV Hoàng Trung- đơn vị tiếp nhận quyền quản lý Nhà nước về phân bón từ Cục Trồng trọt (Bộ NN- PTNT) và Cục Hóa chất (Bộ Công thương), một nội dung rất quan trọng của dự thảo sửa đổi Nghị định 202 là sẽ gắn trách nhiệm về quản lí phân bón với chính quyền địa phương các cấp, chứ Nghị định cũ gần như chính quyền sở tại đứng ngoài cuộc.

Đồng tình việc gắn thêm trách nhiệm quản lí phân bón với chính quyền địa phương, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Như Cường bổ sung, song song với việc gắn trách nhiệm cũng cần phân quyền cho chính quyền cấp tỉnh cấp phép đủ điều kiện sản xuất với một số nhà máy có quy mô, công suất nhỏ. Tuy nhiên, Bộ NN-PTNT vẫn cần phải quản lí khâu nhãn mác, bao bì và hướng dẫn sử dụng.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu Cục BVTV với trách nhiệm là đơn vị được giao chủ trì soạn thảo, xây dựng Nghị định sửa đổi, thay thế Nghị định 202 về quản lí phân bón cần tiếp thu những đóng góp đúng đắn của các chuyên gia, nhà quản lí, doanh nghiệp và hiệp hội.

Những quy định nào chưa thống nhất cần có sự trao đổi, tranh luận thẳng thắn trên tinh thần quyền quyết định cuối cùng vẫn thuộc Cục BVTV, nhưng cũng đồng nghĩa với việc gắn trách nhiệm quản lý sau này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đặc biệt lưu ý, trong giai đoạn chuyển tiếp cần cân nhắc cái gì cần trước mắt, cái gì cần cho lâu dài về sau này để xây dựng Nghị định cho sát với đòi hỏi của thực tiễn, bởi nhiều khi chúng ta rất muốn nhưng chưa thể tiếp cận ngay được với những mô hình quản lí tiến bộ nhất của thế giới.

Bên cạnh đó, Nghị định mới cần hướng đến lộ trình nền nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp thông minh. Có những điều khoản thừa nhận sản phẩm của quốc tế nếu có lợi cho đất nước, cho người dân. Hơn nữa, xã hội hóa được càng nhiều công đoạn càng tốt, nhưng cần quản lí thặt chặt khâu cấp phép ban đầu với các đơn vị xã hội hóa.

“Cục BVTV gấp rút tổ chức 3 cuộc hội thảo ở 3 miền Bắc, Trung, Nam ngay trong tháng 4 này để lấy ý kiến rộng rãi các cơ quan chuyên môn, doanh nghiệp, chính quyền địa phương và sau đó có một buổi làm việc riêng với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), muộn nhất trong tháng 5 phải hoàn thiện dự thảo lấy ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành vào tháng 6/2017", Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu.

+ Theo Vụ trưởng Vụ Pháp chế Nguyễn Thị Kim Anh, nếu Nghị định mới quy định quản lí phân bón theo danh mục sẽ phải khảo kiểm nghiệm, và trước khi công nhận và cho phép lưu hành cần thành lập hội đồng thẩm định nên cần có quy định về trách nhiệm của hội đồng như thế nào chứ hiện nay hội đồng chỉ mang vai trò là cơ quan tư vấn, không chịu trách nhiệm với sản phẩm lưu hành trên thị trường.

+ Theo Phó Vụ trưởng Vụ KH, CN và MT Phạm Đồng Quảng, quan điểm của ông là phân bón nào cũng cần phải khảo kiểm nghiệm, song việc khảo kiểm nghiệm nên để cho doanh nghiệp tự khảo kiểm nghiệm với các đơn vị xã hội hóa chứ không nên chỉ định, áp đặt.

Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam

Các tin mới hơn
Bài viết khác