Ngày 31/3/2017, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận Hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.

 
 

         Ngày 31/3/2017, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận Hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu.

Những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp phân bón nhìn chung gặp không ít khó khăn khi giá sản phẩm liên tục sụt giảm do dư cung và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Riêng trong năm 2016, tác động từ Elnino khiến hạn hán và xâm nhập mặn gia tăng ở các vùng phía Nam ảnh hưởng tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng gián tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ phân bón thấp hơn so với mọi năm.

Bên cạnh đó, tác động kéo dài của luật thuế 71 quy định các mặt hàng phân bón không thuộc diện chịu thuế GTGT, thay vì mức 5% của năm 2014 đã khiến các doanh nghiệp phân bón không còn được khấu trừ VAT đầu vào. Điều này dẫn tới chi phí sản xuất tăng hàng trăm tỷ đồng càng khiến doanh nghiệp thêm phần khó khăn.

Ngoài ra, một yếu tố khác khiến các doanh nghiệp phân bón gặp khó là bởi áp lực cạnh tranh mạnh mẽ từ các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, Asean.

Hàng loạt những vấn đề kể trên đã khiến lợi nhuận hầu hết các doanh nghiệp ngành phân bón niêm yết sụt giảm mạnh, ngoại trừ Phân bón Bình Điền (BFC) do được hưởng lợi từ giá các nguyên liệu đầu vào thấp.

Áp thuế tự vệ, câu chuyện ngành thép năm 2016 sẽ lặp lại với ngành phân bón?

Ngày 31/3/2017, Cục Quản lý cạnh tranh đã tiếp nhận Hồ sơ của một số doanh nghiệp đại diện cho ngành sản xuất trong nước yêu cầu áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số sản phẩm phân bón nhập khẩu có mã HS: 3105.10.10, 3105.10.20, 3105.10.90, 3105.20.00, 3105.30.00, 3105.40.00, 3105.51.00, 3105.59.00, 3105.90.00.

Cụ thể, hàng hóa bị điều tra là tất cả các loại phân bón vô cơ phức hợp hoặc hỗn hợp với thành phần chính là Đạm (Ni-tơ) và Lân (P2O5) trong đó lượng Ni-tơ chiếm ít nhất 7% và lượng P2O5 chiếm ít nhất 30%. Việc bổ sung hoặc trộn thêm các nguyên tố khác như Ma-giê (Mg), Can-xi (Ca), Lưu huỳnh (S), Ka-li (K)... hoặc các nguyên tố vi lượng khác không làm thay đổi về bản chất đặc điểm lý và hóa học cũng như mục đích và đối tượng sử dụng của sản phẩm.

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, ngày 13/4 vừa qua, Cục Quản lý cạnh tranh đã có văn bản xác nhận Hồ sơ đầy đủ và hợp lệ theo các quy định của pháp luật tự vệ của Việt Nam.

Hiện chưa có quyết định cuối cùng từ Bộ Công Thương, tuy nhiên nếu được thông qua việc áp thuế tự vệ với phân bón nhập khẩu sẽ mở ra cơ hội hồi phục mạnh mẽ cho ngành phân bón trong nước.

Câu chuyện ngành phân bón hiện có phần giống với ngành thép trong năm 2016 khi được Bộ Công Thương áp thuế tự vệ với một số sản phẩm thép nhập khẩu vào Việt Nam. Khi đó, lợi nhuận các doanh nghiệp thép trong nước cũng như giá cổ phiếu đều tăng phi mã.

 
 
Cổ phiếu thép tăng phi mã trong năm 2016 sau khi Bộ Công thương áp thuế tự vệ

Giá phân bón thế giới hồi phục mạnh trong năm 2017

Sau một thời gian dài trầm lắng và giảm giá liên tục, thị trường phân bón thế giới bước vào năm 2017 với những biến động mạnh mẽ. Trong đó phải kể đến sự tăng giá thẳng đứng đối với mặt hàng ure khi các nhà máy Trung Quốc duy trì việc cắt giảm sản lượng, không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa, đồng thời khiến cho lượng hàng xuất khẩu bị giới hạn.

Bên cạnh đó, giá than, giá điện tăng cũng giúp đẩy giá thành sản xuất đi lên và củng cố cho đà tăng của giá ure thế giới. Tuy nhiên sẽ có một độ trễ nhất định trước khi phản ánh vào giá bán ure tại thị trường Việt Nam. Ngoài ra, giá các mặt hàng nông sản kỳ vọng tăng nhìn chung sẽ dẫn đến sự phục hồi của nhu cầu và giá phân bón.

              Giá Ure thế giới hồi phục khá tốt trong thời gian gần đây

Tại Việt Nam, với việc ElNino chấm dứt, lượng mưa có khả năng tăng lên, hạn hán suy giảm và tình trạng xâm nhập mặn tại khu vực canh tác chính miền Nam cải thiện sẽ giúp ngành nông nghiệp chuyển biến tích cực và từ đó dẫn đến nhu cầu phân bón hồi phục từ mức đáy năm 2016.

Nhận định về ngành phân bón, CTCK VnDirect trong báo cáo chiến lược 2017 cho rằng giá phân bón trong nước có thể cải thiện mạnh mẽ trong năm nay nếu nhận được các chính sách hỗ trợ. Hiện tại, ngành phân bón đang đối mặt với áp lực cạnh tranh lớn từ các sản phẩm nhập khẩu. Do đó, nếu thiết lập hàng rào bảo hộ thuế quan sẽ là yếu tố hỗ trợ tốt cho chu kì hồi phục của ngành.

Ngoài ra, một chính sách khác mà các doanh nghiệp và người nông dân rất mong chờ là đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế VAT sang chịu thuế 0%. Điều này có thể giúp doanh nghiệp tiết kiệm đến 2.500 tỷ đồng chi phí mỗi năm (theo Bộ Công thương), tạo sức cạnh tranh về giá với hàng nhập khẩu.

 

Hoàng Anh

Theo Trí Thức Trẻ

 
              
Các tin mới hơn
Bài viết khác